Không lãng phí sẽ không túng thiếu: sinh khối tái tạo giúp giảm phát thải CO₂
Việc đốt cháy nhiên liệu hóa thạch như dầu, than và khí thiên nhiên để tạo ra điện sẽ giải phóng cacbon điôxit (CO2) trong đất vào bầu khí quyển. Lượng khí thải CO₂ này là nguyên nhân góp phần làm trái đất nóng lên và gây ra biến đổi khí hậu. Mất đến hàng triệu năm để hình thành nhiên liệu hóa thạch từ sự phân hủy các chất hữu cơ, nên nhiên liệu hóa thạch là vật liệu không thể thay thế. Do đó, sinh ra nhu cầu cấp thiết về các nguồn năng lượng tái tạo, không phát thải CO₂ như gió và mặt trời. Tuy nhiên, những nguồn năng lượng này có những hạn chế: không phải lúc nào cũng có mặt trời và gió thì không phải lúc nào cũng thổi. Đó là khi cần đến sinh khối.
Sinh khối bao gồm phần lớn chất thải lâm nghiệp và nông nghiệp: những phần không được sử dụng của cây cối và hoa màu còn sót lại từ quá trình sản xuất gỗ, giấy và thực phẩm. Chất thải này thường bị vứt ở các bãi chôn lấp, từ từ thải ra CO₂ trong quá trình phân hủy. Thế nhưng, khi được chế biến thành dạng khối hoặc tương tự, nó có thể cung cấp nhiên liệu cho lò hơi sinh khối tạo ra nhiệt và đun sôi nước, hoặc thậm chí tạo ra điện bằng cách sử dụng hệ thống đồng phát sinh khối. Sinh khối không chỉ là một nguồn tài nguyên dồi dào mà còn là nguồn năng lượng tái tạo vì cây cối và hoa màu có thể được trồng lại. Khi phát triển, thực vật hấp thụ lượng CO₂ tương đương với lượng CO₂ thải ra khi bị đốt cháy, tức sinh khối có thể được xem như một nguồn nhiên liệu “trung hòa cacbon”.
Là một phần trong cam kết thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc (SDGs), Tập đoàn Ajinomoto đã giới thiệu sinh khối đến mười cơ sở sản xuất tại các công ty thành viên trên khắp thế giới nhằm giảm lượng khí thải CO₂ và chống lại biến đổi khí hậu.
Ví dụ: Ở Ayutthaya, Thái Lan, công ty đã đưa hệ thống đồng phát sinh khối vào hoạt động năm 2016, sử dụng trấu sẵn có từ địa phương làm nhiên liệu. Hệ thống đã giúp giảm đáng kể lượng phát thải CO₂ ròng, giảm lượng điện năng phải mua từ lưới điện và hoạt động ổn định ngay cả khi cắt điện. Một sáng kiến tương tự, bằng việc sử dụng nồi hơi sinh khối tại ba nhà máy ở São Paulo, Brazil đã đưa lượng phát thải CO₂ ròng xuống gần mức 0 trong khoảng thời gian một năm. Các lò hơi cung cấp 80% nhu cầu năng lượng của các nhà máy với chi phí thấp hơn so với nhiên liệu hóa thạch. Trong khi đó, tại Nhật Bản, Tập đoàn Ajinomoto mua toàn bộ năng lượng cho hoạt động của mình từ một công ty sản xuất điện từ sinh khối bã mía lấy từ các nhà máy đường ở Okinawa.
Đến năm 2030, mục tiêu của Tập đoàn Ajinomoto là đáp ứng 50% nhu cầu năng lượng của mình thông qua việc sử dụng năng lượng tái tạo, trong đó sinh khối đóng vai trò quan trọng trong giải pháp của Tập đoàn. Khi nói đến việc giảm phát thải CO₂ và chống lại biến đổi khí hậu, chúng ta phải cố gắng tận dụng mọi thứ có thể.